Header Ads

Header ADS

Lễ hội đặc trưng các dân tộc vùng cao Yên Bái ai cũng muốn trải nghiệm thử 1 lần

Cũng giống như nhiều tỉnh vùng cao phía Bắc, Yên Bái có nhiều lễ hội đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc đang sinh sống trên mảnh đất này. Khách du lịch sẽ cảm thấy thích thú và muốn trải nghiệm ngay các lễ hội Yên Bái này.

Những lễ hội Yên Bái đặc sắc của các dân tộc vùng cao

Lễ cấp sắc của người Dao Đỏ

Lễ cấp sắc của người Dao Đỏ là lễ hội đặc sắc bật nhất của đồng bào dân tộc sinh sống tại Yên Bái. Phong tục được duy trì tại xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên; là một trong những nghi lễ quan trọng của người Dao đỏ, mục đích công nhận sự trưởng thành của người đàn ông hay phụ nữ và cầu mong cho cuộc sống may mắn, bình an; giáo dục con em đồng bào Dao biết hiếu thảo với cha mẹ ông bà.

Lễ hội cấp sắc công nhận sự trưởng thành của đàn ông, phụ nữ Dao đỏ

 Sau nghi lễ báo cáo của các thầy cúng, tiếng trống chiêng bắt đầu lễ cấp sắc. Ngày đầu tiên của lễ cấp sắc, các cặp con cái trong gia đình được ăn một bữa cơm đầy đủ rượu thịt, sau đó tắm rửa sạch sẽ để mặc lễ phục mới và thực hiện ăn cơm chay cho tới khi hết lễ.

Lễ hội đình làng Dọc

Đình làng Dọc tại xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên, Yên Bái. Đây là nơi diễn ra lễ hội của người Kinh và người Tày cổ được tổ chức 2 kỳ trong năm, vào mồng 3 mồng 4 tháng Giêng âm lịch (gọi là lễ Hạ điền) và 13, 14 tháng 7 âm lịch (lễ hội cầu Thần Nông). Lễ hội Yên Bái đặc sắc này có sự pha trộn giữa nghi thức tế lễ của người Kinh cùng các điều múa xoè của dân tộc Tày, bao gồm phần nghi lễ cúng và phần hội có các trò chơi của đồng bào vùng cao như đẩy gậy, kéo co, ném còn... Mục đích lễ hội nhằm cầu cho mạ xanh lúa tốt, nhà nhà có cuộc sống no ấm, an lành; mặt khác thắt chặt tình đoàn kết giữa dân tộc Kinh và Thái, Tày và tưởng nhớ ông cha đã khai khẩn mảnh đất này.

Phần nghi lễ của lễ hội đình làng Dọc

 Lễ hội “Bung Lổ” của người Dao Họ

Lễ hội được tổ chức tại xã Đông An, huyện Văn Yên vào khoảng tháng 5 âm lịch hàng năm. Lễ hội của người Dao Họ (Dao quần trắng) với mục đích cầu mưa, truyền tải nét truyền thống độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc. Các vật dụng và dụng cụ liên quan lễ bao gồm: Gà, lợn, rượu, gạo, hương, giấy bảy màu…. phần lễ vật cần thiết trên bàn thờ là mâm cúng rất đơn giản, mang ý nghĩa tượng trưng. 

Mục đích tổ chức lễ hội "Bung Lổ" là nhằm cầu mưa

 Lễ hội Xên Mường của đồng bào Thái Mường Lò

Lễ hội "Xên mường" thường diễn ra khi mùa hoa ban nở trắng núi rừng, khoảng tháng Giêng hoặc tháng 2 Âm lịch. Người Thái vùng Mường Lò - Yên Bái tổ chức lễ hội "Xên mường" ở khu vực Chi nhánh Bảo tàng Nghĩa Lộ.

Lễ hội thường do ông mo nghè (mo mường), người trông coi thần quyền cho chủ mường và hội phụ lão đứng ra tổ chức. Lễ cúng "Xên mường" phải có áo của các vị lãnh đạo xã làm vật tế, lễ vật do người dân toàn mường đóng góp. Trong lễ cúng "Xên mường", ngoài các lễ vật như: vòng cổ, vòng tay bằng bạc, các cuộn vải sải, vải thổ cẩm, còn phải có các món ăn chế biến từ thịt trâu. Ở phần hội, các trò chơi dân gian tập thể được tổ chức như ném còn, đua ngựa, bắn nỏ, "tó mắc lẹ", "tó tiếc"...

Lễ hội đền Nhược Sơn, Yên Bái

Vào ngày 20/09 hàng năm tại xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên đều diễn ra lễ hội đền Nhược Sơn thu hút đông đảo du khách thập phương về dâng hương, tưởng nhớ công lao của Hà Chương và cầu mong có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Hà Chương là tên một nhân võ tướng thời Trần từng có công lớn trong việc trấn giữ vùng biên cương phía Bắc và chống quân Nguyên Mông;  tượng Hà Chương trong đền được đúc bằng đồng cao 28,5cm, rộng 9cm và nặng 67kg.

Rước lễ đền Nhược Sơn

 Lễ hội Lồng Tồng của người Tày ở Kiên Thành

Chào đón năm mới tới, người Tày sinh sống tại địa bàn xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái) có phong tục tổ chức lễ hội Lồng Tồng (còn gọi là lễ cầu mùa) - một trong những lễ hội Yên Bái đặc săc nhất của dân tộc Tày. Lễ hội được tổ chức vào đúng ngày rằm tháng Giêng, nhằm cầu cho mưa thuận gió hoà, cây cối sinh sôi nảy nở, người người được ấm no và hạnh phúc

Lễ hội được chia làm hai phần là phần lễ và phần hội. Lễ hội là nét sinh hoạt cộng đồng đặc sắc, chứa đựng nhiều giá trị nhân văn tôn vinh văn hoá của người Tày với mong ước mùa màng bội thu.

Zù xu - lễ cúng họ của người Hmông Suối Giàng

“Zù xu”là lễ cúng cầu xin các thần linh và tổ tiên che chở, phù hộ cho các gia đình trong dòng họ gặp nhiều may mắn trong cuộc sống, tránh được bệnh tật tai nạn, không xảy ra mất mùa, mùa màng được tươi tốt, thóc ngô đầy nhà. Hiện nay, dòng họ Giàng, Sùng tổ chức lễ cúng vào ngày 17 hoặc 19 tháng 9 âm lịch, dòng họ Vàng, Trang tổ chức vào ngày 27 tháng 7 âm lịch…ngày tổ chức nghi lễ phụ thuộc vào ngày kiêng kị của mỗi dòng họ mà đồng bào không thể thay thế vào những ngày khác. Địa điểm tổ chức mỗi năm có sự thay đổi tuần tự từ nhà này sang nhà khác.

Khi đến lượt gia đình nào tổ chức nghi lễ thì gia đình đó phải tự lo liệu toàn bộ các chi phí từ lễ vật, đồ dâng cúng đến thực phẩm thiết đãi toàn bộ dòng họ. Vào ngày lễ, mọi gia đình đều tập trung tại nhà nhà gia chủ cùng với 01 chai rượu, 03 cành cây chè trên ngọn buộc 3 loại chỉ đen – trắng – đỏ để thể hiện tấm lòng. Cây chè mang ý nghĩa xua đuổi tà ma và đón những điều may mắn, tốt đẹp.

Dân tộc H'mong Suối Giàng

 Ngoài các lễ hội của các dân tộc vùng cao Yên Bái, du khách có thể tham khảo thông tin về một số lễ hội của người Kinh cũng rất đặc sắc nên tham gia một lần nếu có cơ hội du lịch Yên Bái, ví dụ như lễ hội chọi trâu Lục Yên, kễ hội Đông Cuông – Văn Yên, lễ hội đền mẫu Thác Bà.

Thông tin về những lễ hội Yên Bái truyền thống của các dân tộc vùng cao bên trên hy vọng giúp bạn phần nào hiểu thêm những nét văn hoá, đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc nơi đây./.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.

TƯ VẤN ONLINE